Nhiều điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở Thừa Thiên Huế

10/04/2015

Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hạ tầng kỹ thuật, sản xuất ở vùng nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, bộ mặt nông thôn được đổi thay theo hướng khang trang, hiện đại. Tỷ lệ hoàn thành các tiêu chí NTM mới cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước.

Sức bật từ đồng thuận xã hội

Một trong những cách làm có tính quyết định đến sự thành công của Thừa Thiên Huế, đó là sự thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể quần chúng; thu hút các nguồn đầu tư và phát huy sức mạnh từ nhân dân… tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội vì mục tiêu xây dựng nông thôn ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã chủ động tham gia, vận động nhiều phong trào thiết xây dựng nông thôn mới ở các địa phương, nhận được sự hưởng ứng và đồng tình ủng hộ của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM, hỗ trợ giúp đỡ xoá nhà tạm, xây nhà tái định cư.

Các cấp Hội Nông dân tích cực vận động hội viên tham gia hiến đất, đóng góp ngày công để xây dựng các công trình. Hội Phụ nữ thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch”, xây dựng 300 tuyến đường thôn, xóm “Không rác, không nước thải”, “Con đường xanh, sạch, đẹp”…, đặc biệt phụ nữ huyện Nam Đông, A Lưới đã xây dựng 157 “Hàng rào xanh”.

Hội cựu chiến binh đã gương mẫu vận động gia đình, người thân đi đầu trong hiến kế, hiến công, giải tỏa mặt bằng cho xây dựng dự án và đã có hơn 77 ngàn m2 đất thổ cư đã được hiến. Đoàn Thanh niên thực hiện chương trình thanh niên 40 tuyến đường xanh – sạch – đẹp; thu gom hơn 32,5 tấn rác thải làm sạch đẹp đường làng ngõ xóm.

Trong 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, người dân đã đóng góp tiền, đất đai, hoa màu, ngày công trị giá 315 tỷ đồng. Trong đó có hơn 110 ha đất và hơn 340 ngàn ngày công để xây dựng đường thôn xóm, nhà văn hoá… Nhiều cá nhân đã đóng góp hàng trăm triệu đồng xây dựng thiết chế văn hóa nông thôn, nổi bật là ông Nguyễn Văn Bí ở xã Quảng An, huyện Quảng Điền đã đóng góp hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà văn hoá thôn Đông Xuyên.

Điển hình trong huy động nhân dân tham gia xây dựng NTM ở cấp huyện là Nam Đông, toàn huyện có 271 hộ đóng góp quỹ đất với diện tích 43.000m2; người dân đóng góp 4.730 ngày công lao động và hơn 400 triệu đồng để xây dựng các công trình phục vụ sinh hoạt công cộng, góp phần đưa 5 xã của huyện đạt chuẩn NTM.

Đối với cấp xã, nổi bật là xã Quảng Phú, với phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân hưởng lợi”, trong quá trình thực hiện xây dựng NTM đã đặc biệt đến công tác huy động sức mạnh trong nhân dân. Trong gần 5 năm qua, xã đã huy động nguồn lực đầu từ các hạng mục xây dựng NTM khoảng 114 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa và nhân dân đóng góp khoảng 54 tỷ đồng. Chính từ sự đồng thuận và đóng góp tích cực của người dân, 19 tiêu chí NTM nhanh chóng được đáp ứng và Quảng Phú là xã đầu tiên của huyện Quảng Điền được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Nông dân Quảng Điền tự đóng góp ngày công làm đường giao thông nông thôn

Ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập

Ông Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh khẳng định: Nhiệm vụ xây dựng NTM mới phải xác định lấy phương châm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập mục tiêu chính, tạo nền tảng xây dựng NTM bền vững. Do vậy trong 5 năm qua, đã bố trí gần 20 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng được 302 mô hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, phát triển ngành nghề thủ công,… phù hợp với điều kiện tiềm năng của từng địa phương, góp phần đẩy nhanh giảm nghèo, nâng cao thu nhập.

Một số mô hình bước đầu có hiệu quả cao và có thể nhân rộng như: Nuôi bò bán thâm canh, nuôi ong ở Nam Đông; phát triển cây chuối hàng hóa ở A Lưới; nuôi gà, lợn lót đệm sinh học, nuôi cá Hồng Mỹ, trồng rau sạch theo VietGap ở Quảng Điền; trồng cỏ nuôi bò, trồng tre lấy măng ở Phong Điền.

Ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Quảng Điền cho biết: huyện đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả như rau sạch, trà rau má, ngô vụ đông… và phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, các ngành nghề nông thôn đã góp phần tạo việc làm, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập, đưa bình quân thu nhập đầu người của huyện đạt 23,2 triệu đồng vào cuối năm 2014; 10/10 xã của huyện đã đạt tiêu chí thu nhập.

Sau 5 năm, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho Chương trình trên địa bàn tỉnh đạt 4.740 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng hàng trăm hạng mục công trình thiết yếu thuộc kết cấu hạ tầng nông thôn, công trình thuỷ lợi, giao thông, trường học, nhà văn hoá,... ở khu vực nông thôn. Năm 2014 thu nhập bình quân khu vực nông thôn toàn tỉnh đã đạt mức 20,7 triệu đồng, tăng 24,4% so với 2013, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn toàn tỉnh còn 6,64 %, giảm 1,87 % so với 2013.

Đến nay, tổng tiêu chí NTM toàn tỉnh đạt được 1.401 tiêu chí/92 xã, đạt bình quân 15,2 tiêu chí/xã, tăng 6,7 tiêu chí so với năm 2010. Đã có 9 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 10%, cao hơn 1,2% so với cả nước (8,8 %).

Theo lộ trình, năm 2015 toàn tỉnh phấn đấu có thêm 11 xã đạt chuẩn, đưa tổng số xã đạt chuẩn lên 20 xã. Giai đoạn 2016-2020, mỗi năm tăng thêm 6-7 xã, đến cuối năm 2020 có tối thiểu 52 xã, đạt tỷ lệ 50%.

Mô hình trồng rau sạch theo VietGap ở xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền

Để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao cho biết, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như: tăng cường huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào xây dựng NTM; tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch nông thôn mới; ưu tiên nguồn lực cho các công trình trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống hàng ngày của người dân; tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo; rà soát cơ chế, chính sách để điều chỉnh phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh và từng địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới.

www.thuathienhue.gov.vn

SỞ TƯ PHÁP - TỈNH THỪA THIÊN HUẾ